10 công cụ cần thiết các blogger nên dùng
Đối với mình, viết blog không phải chỉ là lên ý tưởng trong đầu sau đó nhảy vào bàn phím và gõ cạch cạch như đúng rồi. Nói thì không ai tin nhưng thời gian mình lang thang lông bông ngoài đường nhiều hơn thời gian ngồi máy tại nhà nên việc ngồi viết một mạch là khó có thể xảy ra, đôi khi một bài viết chất lượng mình ngâm có khi nửa tuần mới có thể viết hoàn chỉnh được.
Trong khi đó, để cho bài viết của bạn trở nên chuyên nghiệp hơn hay tối ưu quy trình viết blog đều không thể thiếu các công cụ, ứng dụng quý giá mà ở đây mình sẽ chia sẻ cho các bạn một vài công cụ mà đối với mình nó rất có ích trong việc viết lách nói chung và viết blog nói riêng.
1. Chụp ảnh màn hình với Snagit
Nếu bạn là một blogger kỹ thuật như mình thì việc chụp ảnh màn hình có lẽ nhiều hơn ăn cơm bữa. Tất cả hệ điều hành từ Windows, Ubuntu, Mac đều trang bị sẵn tính năng chụp ảnh màn hình như dường như điều đó chưa bao giờ thoả mãn nhu cầu của chúng ta.
Để làm việc này, mình thường hay sử dụng phần mềm Snagit như một giải pháp tối ưu nhất từ việc chụp màn hình cho đến chỉnh sửa tấm ảnh đã chụp được để đăng lên blog, tất cả các bài viết của mình vì thế cũng đều được chụp bằng Snagit.
Với Snagit, bạn sẽ có nhiều hơn những gì bạn cần như chụp ảnh theo vùng chọn, chụp toàn bộ website, thêm hiệu ứng cho ảnh từ cơ bản đến chuyên nghiệp. Nếu bạn chưa biết, hãy thử ngay hôm nay và bạn sẽ phải cảm ơn mình về lời giới thiệu này.
- Hệ điều hành hỗ trợ: Windows, Mac OSX.
- Thao tác quen thuộc: Nút Print Screen ở Windows và ⌃⇧C ở Mac.
2. Quay video màn hình với Camtasia hoặc ScreenFlow
Quay video màn hình là một sở thích đặc biệt của mình nhưng chỉ tội không có đủ thời gian để làm nhiều về nó, nhưng dù vậy mình cũng tranh thủ quay màn hình để hướng dẫn mỗi khi có cơ hội.
Ở hệ điều hành Windows thì mình đã thử qua rất nhiều phần mềm quay video màn hình nhưng có lẽ Camtasia 8 là lựa chọn tốt nhất với nhiều tính năng thuận tiện, hình ảnh rõ nét, âm thanh trung thực và đặc biệt là hỗ trợ nhiều hiệu ứng chỉnh sửa rất đa dạng.
Từ lúc dùng thêm Macbook thì mình có thử cài Camtasia phiên bản Mac nhưng có lẽ nó không bá đạo như phiên bản Windows khi bị hạn chế rất nhiều tính năng, nên mình đã chuyển sang một giải pháp khác mà các Screencaster nổi tiếng trên thế giới hay dùng đó là phần mềm ScreenFlow.
Nhìn chung ScreenFlow cũng không có gì hơn so với Camtasia 8 trên Windows nhưng hiện tại trên Mac thì chỉ có phần mềm quay video này là hoàn chỉnh nhất để có thể sử dụng. Có một nhược điểm rất lớn trên ScreenFlow đó là không cho phép sử dụng vùng chọn trên Timeline như Camtasia nên việc cắt bớt các đoạn thừa có vẻ khá mất công và không nhanh như Camtasia nhưng bù lại chất lượng âm thanh, hình ảnh xuất ra rất đa dạng.
3. Soạn ý tưởng bài viết với Evernote
Evernote là một ứng dụng ghi chú đã quá nổi tiếng mà có thể bây giờ giới IT chắc ai cũng đã biết qua nó. Trong công việc viết lách nói riêng, mình sử dụng Evernote như một giải pháp lưu giữ các ý tưởng mà mình loé ra trong những lúc xuất quỷ nhập thần mà có thể nếu không kỹ lưỡng ghi chép thì nó sẽ bay mất tiêu.
Việc lên ý tưởng và dàn bài viết sẵn với Evernote đối với mình vô cùng quan trọng khi viết bài, có thể nói nó giúp mình tiết kiệm khoảng 40% so với cách viết bài thông thường như mình đã làm trước đây. Hơn nữa, do phải thường xuyên lông bông ngoài đường nên việc sử dụng ứng dụng Evernote trên di động giúp mình có thể ghi chép lại các ý tưởng mọi lúc mọi nơi, vô cùng thuận tiện.
4. Lên quy trình làm việc với Outliner Apps
Thông thường ở thời phổ thông chúng ta đã được dạy cách viết dàn ý, dàn bài khi tập làm văn có phải không? Không nói cũng biết, bước làm dàn ý vô cùng quan trọng khi chúng ta bắt đầu viết văn vì lúc đó chúng ta chỉ cần lấy các ý chính trong dàn ý đó mà viết ra thành các câu hoàn chỉnh có liên hệ mật thiết với nhau.
Ở đây mình không nói đến tập làm văn mà nói đến quy trình làm bất cứ việc gì, mình có một thói quen đó là hay làm outline công việc trước rồi mới làm. Ở outline này, mình sẽ ghi rõ ra từng phần công việc mà mình cần phải làm sau đó thêm ghi chú vào đó, làm xong tới đâu thì đánh dấu tới đó để mình nhớ được mà không cần phải bối rối khi bắt tay vào làm.
Nếu bạn sử dụng Windows thì có thể dùng công cụ Keepnote vừa đơn giản mà lại dễ sử dụng, hoàn toàn miễn phí. Còn ở Mac thì bạn có thể sử dụng OmniOutliner rất mạnh mẽ. Tuy nhiên, cũng có một sự lựa chọn khác ở Mac đó là dùng OmniFocus, một ứng dụng to-do-list thông minh với nhiều tính năng khác nhau mà bạn có thể làm outline.
5. Đọc tin mỗi ngày với Feedly
Đã là blogger thì việc đọc bài thường xuyên ở các blog khác để nâng cao kiến thức và kỹ năng viết là một việc làm không thể thiếu, nếu bạn không làm thì có thể bạn đến từ Sao Hoả.
Từ khi Google Readers bị khai tử, các bloggers rất bối rối để tìm một dịch vụ tương tự để theo dõi bài viết ở blog khác qua RSS. Nhưng sau đó, mình đã tìm được một dịch vụ khác khá tốt mà hoàn toàn miễn phí đó là Feedly. Mọi tính năng y hệt như Google Reader và nó có thêm tính năng đọc bài dựa theo chủ đề khá có ích.
Còn nếu bạn dùng Mac, mình khuyến khích sử dụng ReadKit, có $9 mà thôi nhưng có ích cực kỳ, nó lại càng có ích ơn nếu bạn có sử dụng Pocket để lưu bài viết cần đọc.
6. Email Marketing với Mailchimp hoặc GetResponse
Email Marketing không còn là thuật ngữ xa lạ trong kinh doanh trên Internet, nhưng liệu nó có thể áp dụng cho các blogger để sử dụng trên blog? Hoàn toàn được, nếu bạn là một blogger chuyên nghiệp có ý định nghiêm túc về việc xây dựng email list để thu lợi nhuận bằng cách tiếp thị sản phẩm trực tiếp đến người tiêu dùng.
Nếu bạn là người mới bắt đầu thì nên sử dụng Mailchimp vì đơn giản là nó miễn phí giới hạn 2.000 email trong danh sách. Còn nếu bạn có nhiều hơn 2.000 hoặc muốn sử dụng thêm nhiều tính năng hay như tự động gửi email định kỳ thì mình khuyến khích nên dùng GetResponse, giá cả cũng rất phải chăng.
7. Nhúng chat trực tuyến vào blog với Zopim
Mình hiểu rằng Yahoo có thể không còn là sự lựa chọn tối ưu cho các blogger để chat trực tuyến nữa mà đã chuyển hết qua Skype. Nhưng nếu một độc giả muốn chat với bạn thì bắt buộc phải kết bạn trên Skype, vậy nếu bạn muốn họ chat trực tiếp với bạn trên blog luôn thì sao? Hãy sử dụng Zopim, hoàn toàn miễn phí.
Bạn sẽ quản lý các tin nhắn chat ở trang Zopim Dashboard cũng như quản lý các tác vụ khác, chỉ cần bật trang đó cả ngày thì mỗi khi có ai chat với bạn thì bạn sẽ nhận được tin nhắn ngay lập tức và tiến hành trả lời lại.
8. Tìm ý tưởng bài viết với Alltop
Alltop là một trang chuyên lấy những bài viết thuộc dạng nổi bật trên hàng nghìn blog nổi tiếng khác nhau bằng tiếng Anh trên mọi chủ đề từ xã hội cho đến công nghệ, đời sống. Nếu bạn viết blog về công nghệ thì đây là một trang không thể bỏ qua vì có thể vào lúc đẹp trời nào đó bạn bắt gặp một bài viết vô cùng hay tại đây, sau đó tham khảo và có thể viết nó lại thành tiếng Việt, không tệ phải không nào?
9. Tạo ảnh đại diện bài viết đọc đáo với Canva
Mặc dù chỉ mới được giới thiệu gần đây nhưng sau khi thử qua mình thấy khá thích công cụ này. Công việc của Canva là giúp bạn tạo được một ảnh bìa, Infographic,…mà không cần biết nhiều về kiến thức sử dụng Photoshop hay bất cứ phần mềm nào, chỉ việc kéo thả là bạn có ngay một cái ảnh ưng ý.
Nếu bạn muốn xem mẫu mình đã làm với công cụ này thì có thể đọc bài Starter theme sử dụng Foundation của mình, ảnh đại diện bài đó mình dùng công cụ này.
10. Sử dụng công cụ quản lý thời gian
Một khi blog bạn đã có nhiều người theo dõi thì thời gian của bạn sẽ dần trở nên một cái gì đó rất xa xỉ, bạn thèm muốn có một ngày dài hơn để làm được nhiều hơn nhưng dĩ nhiên điều đó là không thể. Và cách tốt nhất mà chúng ta có thể làm đó là học cách quản lý thời gian và làm việc hiệu quả.
Tuy rằng công cụ vẫn chỉ là hỗ trợ một phần nào đó để hình thành thói quen quản lý thời gian và công việc nhưng nếu có nó bạn sẽ đỡ vất vả hơn rất nhiều khi bắt đầu lên kế hoạch tiết kiệm thời gian.
- Lời kết
10 công cụ phía trên không phải là đã đầy đủ nhất cho các bloggers vì tuỳ vào chủ đề viết của mỗi người mà lượng công cụ này có thể còn nhiều hơn như thế. Nhưng có một điểm chung là với các công cụ trên thì dù bạn có viết bài về mảng nào thì chắc chắn vẫn sẽ cần sử dụng qua, đối với mình nó đã giúp ích rất nhiều nên mình tin rằng nó sẽ giúp được nhiều người khác để viết blog tốt hơn.
Bạn còn biết công cụ nào khác hay hơn không? Hãy giới thiệu cho mình và mọi người cùng biết nhé.
Mời bạn bình luận cho bài viết " 10 công cụ cần thiết các blogger nên dùng "